Trứng cá đỏ (rosacea, red skin rash)

Trứng cá đỏ (rosacea, red skin rash)

1. Tổng quan 

Trứng cá đỏ là tình trạng bệnh lý với các biểu hiện ban đỏ, giãn mạch và sẩn mủ chủ yếu tập trung vùng mặt. Bệnh khá phổ biến ở người da trắng, ít gặp hơn ở người châu Á, châu Phi.

Tuổi thường gặp từ ngoài 30, tuy nhiên thanh niên và thiếu niên cũng có thể gặp trứng cá đỏ.

Thương tổn có thể xuất hiện một thời gian ngắn rồi hết, nhưng cũng có thể tái phát và tồn tại dai dẳng. Mặc dù sử dụng thuật ngữ “trứng cá” nhưng bệnh không liên quan đến bệnh trứng cá.

2. Dịch tễ học

Trứng cá đỏ thường gặp trên chủng tộc da trắng (type da I, II ) hơn so với các chủng tộc khác. Người gốc Celtic và Bắc Âu có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Tỷ lệ bệnh rất khó đánh giá do các biểu hiện lâm sàng đa dạng và nhiều biểu hiện tương tự như bệnh lý khác (ví dụ trứng cá, viêm da dầu,...). Ước tính tỷ lệ này dao động từ 1%- 10%.

Trứng cá đỏ gặp trên các bệnh nhân có type da tối màu thường ít được chẩn đoán hơn do sắc tố melanin có thể làm che mờ đi các biểu hiện của bệnh hoặc nhầm lẫn với các tổn thương da do ánh sáng khác.

Nhóm tuổi thường gặp nhất là > 30 tuổi, phụ nữ gặp nhiều hơn nam giới (3:1) tuy nhiên tổn thương phì đại gặp ở nam nhiều hơn. Độ tuổi khởi phát ở nữ là khoảng từ 35-45 tuổi trong khi ở nam giới là 45- 55 tuổi. Bệnh có thể gặp ở thanh thiếu niên nhưng hiếm gặp ở trẻ em.

Trứng cá đỏ trẻ em có thể có tất cả các biểu hiện lâm sàng như người lớn ngoại trừ tổn thương phì đại và bệnh có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.

3. Sinh bệnh học

Cơ chế bệnh sinh của trứng cá đỏ chưa thực sự được hiểu rõ. Các yếu tố sau đây được đề xuất cho rằng có liên quan đến bệnh: Bất thường miễn dịch bẩm sinh; phản ứng viêm của vi sinh vật trên da; tác hại của tia cực tím và rối loạn chức năng mạch máu.

3.1 Bất thường miễn dịch bẩm sinh

Hệ thống miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bảo vệ da khỏi tác nhân bên ngoài như vi sinh vật, tia cực tím, chấn thương vật lý hay các tác nhân hóa học có hại. Do vậy, bất thường hệ miễn dịch có thể góp phần dẫn tới sự phát triển của các phản ứng viêm và bất thường mạch máu trong cơ chế phát sinh trứng cá đỏ.

Bất thường của hệ thống miễn dịch bẩm sinh trong cơ chế trứng cá đỏ được cho là liên quan đến việc sản xuất các peptid cathecidin bất thường. Đây là peptid có khả năng tác động lên cả quá trình vận mạch và tiền viêm. Cathelicidin không chỉ tăng cao về nồng độ mà còn ở dạng bất thường. Dạng bất thường này tham gia hoạt hóa và điều hòa quá trình hóa ứng động bạch cầu và hoạt hóa bổ thể ngoại bào, góp phần vào quá trình viêm tại chỗ. Tăng nồng độ của cathelicidin và kallikrein 5 (một enzym kiểm soát sản xuất cathelicidin ở thượng bì, còn được gọi là enzym tryptic lớp sừng) đã được thấy trên da bệnh nhân trứng cá đỏ.

Tiếp đó, hệ thống các recepter tương tác với kích thích của môi trường trong hệ thống miễn dịch (TLR- toll like recepter, NLR- nucleotide blinding domain) có thể kích thích giải phóng kallikrein 5 từ tế bào keratinocyte cho thấy thêm chứng cứ ủng hộ mối liên quan giữa ảnh hưởng của các yếu tố môi trường tới bệnh qua trung gian cathelicidin. Hơn nữa, trong một nghiên cứu của Yamasaki K (2007) tiêm cathelicidin từ bệnh nhân trứng cá đỏ vào da chuột đã gây da được các phản ứng viêm và giãn mạch.

3.2 Phản ứng viêm của vi sinh vật

Demodex folliculorum: Là ký sinh trùng sống trong các nang lông tuyến bã và có thể được tìm thất trên da người bình thường. Một số nghiên cứu chỉ ra có sự tăng mật độ Demodex trên da bệnh nhân trứng cá đỏ.

Baciilus olenorium: Việc sử dụng kháng sinh đem lại hiệu quả trong điều trị bệnh đã dẫn đến các nghiên cứu invivo kiểm tra Baccilus olenorium, một vi khuẩn được phân lập từ Demodex, có thể một trong những nguyên nhân gây phản ứng viêm trong trứng cá đỏ hay không? Nghiên cứu này chỉ ra rằng kháng nguyên từ B.oleronius đã kích thích sự tăng sinh của các dòng tế bào đơn nhân trong máu ngoại vi trên 16/22 bệnh nhân mắc trứng cá đỏ (73%) trong khi ở nhóm không mắc trứng cá đỏ chỉ có 5/17 (29%) bệnh nhân có hiện tượng này.

Helicobacter pylori (HP): Vai trò của HP trong trứng cá đỏ còn nhiều tranh cãi, nhiều nghiên cứu cho thấy huyết thanh miễn dịch dương tính cao với HP ở nhóm bệnh nhân trứng cá đỏ và việc điều trị loét dạ dày có HP làm thuyên giảm triệu chứng của bệnh.

Một số vi sinh vật khác như: Staphylococus cholermidis , Chlamydia pneumoniae và vi khuẩn ruột non được báo cáo có liên quan đến bệnh trong vài nghiên cứu.

Tuy nhiên, liệu các vi sinh vật này có thực sự đóng vai trò trong cơ chế gây bệnh không vẫn là không chắn chắn và cần nhiều nghiên cứu bổ sung hơn nữa.

3.3 Tia cực tím (Ultraviolet- UV)

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời được coi là yếu tố làm nặng bệnh. Tia UVB đã được chứng minh là gây ra sự hình thành mạch máu trên chuột và có thể kích thích sự bài tiết của yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (vascular endothelial growth factor - VEGF) và yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi (fibroblast growth factor - FGF2) từ tế bào keratinocyte. Từ đó làm tăng sinh mạch, gây ra biểu hiện giãn mặt, cơn đỏ bừng mặt. Hơn nữa, tia UV cũng kích thích sản xuất các dòng oxy nguyên tử hoạt động (reactive oxygen species – ROS) làm tăng vận mạch và hủy hoại chất nền ngoại bào thông qua hoạt hóa men protease gắn kim loại, từ đó làm tích tụ các chất trung gian viêm và kéo dài sự thu hút các tế bào đáp ứng viêm. Như vậy, tia UV là yếu tố khởi phát đáp ứng viêm nên gây ra hiện tượng đỏ da bằng cách tăng cường các yếu tố vận mạch và hủy hoại chất nền ngoại bào.

Sự tác động của nhiệt độ cũng có thể là một yếu tố làm nặng bệnh. Do đó, ngoài tia cực tím, bức xạ hồng ngoại (bức xạ nhiệt) từ ánh sáng mặt trời có thể cần xem xét trong cơ chế bệnh.

3.4 Tăng yếu tố sinh mạch và mạch máu giãn rộng

Lưu lượng máu tăng cũng như các yếu tố sinh trưởng nội mạch được phát hiện trên da của một số bệnh nhân trứng cá đỏ, đặc biệt với thể đỏ da giãn mạch. Từ đó, cho thấy vai trò của yếu tố mạch máu trong sinh bệnh học trứng cá đỏ.

3.5 Di truyền

Những cá nhân có tiền sử gia đình mắc trứng cá đỏ có thể có nguy cơ dễ mắc bệnh hơn. Liên quan đến yếu tố di truyền, nghiên cứu của Hayran Y (2019) đề xuất có thể liên quan đến tính đa hình của gen VRGF (+ 405C/G). Tuy nhiên các nghiên cứu là yếu tố gia đình và dịch tễ trong phát sinh trứng cá đỏ vẫn còn rất hạn chế.

4. Đặc điểm lâm sàng

4.1 Ban đỏ trung tâm mặt

Ban đỏ dai dẳng (> 3 tháng) thường ở vùng mũi và giữa má. Một số vị trí khác có thể gặp: tai, ngoại vi mặt, cổ, da đầu và ở ngực (hiếm khi).

Phì đại: Da dày lên, thành khối sần sùi không đều, chắc, tồn tại dai dẳng, không đau- ngứa. Phổ biến nhất gặp vùng mũi (rhophyma) nhưng cũng có thể được nhìn thấy ở các vị trí khác, chẳng hạn như cằm (gnathophyma), trán (glabellophyma) và hoặc mí mắt (blepharophyma); hiếm khi xuất hiện trước 40 tuổi. Bệnh nhân có biểu hiện này thường có tuyến bã nhờn phát triển, đa số phì đại gặp ở nam giới trưởng thành.

4.2 Cơn đỏ bừng mặt và ban đỏ thoáng qua

Cơn đỏ bừng mặt liên quan đến phản ứng mạch máu trên da có thể thấy trên người bình thường trong vài giây đến vài phút. Các yếu tố kích thích xảy ra có thể là nhiệt độ cao, một số thực phẩm, đồ uống, tập thể dục quá mức hoặc căng thẳng tâm lý. Khi các cơn này kéo dài hơn và xuất hiện hơn so với bình thường như nhiều giờ, nhiều ngày thì có thể phát triển thành ban đỏ dai dẳng.

Trong trứng cá đỏ, cơn có thể kéo dài 5’-10’ do quá trình sinh lý thần kinh ở mặt giải phóng các peptid thần kinh. Gây ra cảm giác bỏng rát, đau nhức khó chịu; và có thể đi kèm với triệu chứng toàn thân như thở khò khè, tiêu chảy, đau đầu, tăng tiết mồ hôi. Nữ giới thường xuất hiện triệu chứng này nhiều hơn.

Ban đỏ thoáng qua là một cơn bốc hỏa sinh lý kéo dài kéo dài hơn 5 phút và có thể kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng nhưng không quá 3 tháng.

4.3 Giãn mạch

Có thể thấy các mạch máu giãn rộng trên bề mặt da, thường ở vùng trung tâm mặt, đặc biệt là vùng má.

Trứng cá đỏ thể giãn mạch

4.4 Sẩn và mụn mủ

Nhỏ, thấp, hình vòm, màu đỏ, có xu hướng đối xứng trên da, hay gặp vùng trung tâm mặt nhưng có thể kéo dài đến cổ, ngực và trán. Thường dễ nhầm với mụn trứng cá, tuy nhiên không có comedon như trứng cá.

Trứng cá đỏ thể sẩn mụn mủ

4.5 Triệu chứng mắt

Có thể gặp thường xuyên (25% bệnh nhân trứng cá đỏ và 50% bệnh nhân thể sẩn mủ) và gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân, tuy nhiên lại thường bị bỏ qua. Tổn thương xuất hiện ở bờ mi, tuyến Zeiss, tuyến Mebomian, tuyến lệ, kết mạc, giác mạc, củng mạc và mống mắt. Triệu chứng: nóng rát, châm chích, nhạy cảm ánh sáng và cảm giác có vật lạ trong mắt. Khám mắt có thể thấy đỏ, sưng, vảy tiết, giãn mạch vùng kết mạc.

Trứng cá đỏ thể mắt

Trứng cá đỏ thể phì đại

Ngoài ra bệnh nhân có thể kèm cảm giác bỏng rát, đau nhức, ngứa, phù nề, khô da.

6. Phân loại thể bệnh

Hiện tại có hai hệ thống phân loại cùng tồn tại. Hệ thống thứ nhất được mô tả từ năm 2002, phân loại trứng cá đỏ thành 4 type riêng rẽ: đỏ da giãn mạch, sẩn mủ, phì đại và thể mắt, với các mức độ nhẹ-trung bình- nặng của bệnh. Hệ thống thứ hai được đề xuất từ đồng thuận ROSCO (the Rosacea consensus) từ năm 2016- 2017, phân loại bệnh dựa trên ba nhóm đặc điểm: đặc điểm chẩn đoán, đặc điểm chính, đặc điểm phụ.

Trong cách phân loại thứ nhất, bệnh nhân có thể có 1 hoặc nhiều thể bệnh và có thể chuyển từ thể bệnh này sang thể bệnh kia. Do đó, với các bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng đa dạng, chồng chéo sẽ gặp khó khăn để xếp vào phân loại nếu không có một biểu hiện nổi trội hơn cả. Tuy nhiên, cách phân loại này đã giúp phân loại trứng cá đỏ đơn giản hơn trên lâm sàng cũng như thuận tiện trong nghiên cứu từng thể bệnh. Cách phân loại thứ hai các triệu chứng được xem xét theo bệnh nhân, kể cả bệnh nhân có triệu chứng đa dạng. Đề xuất phân loại này phù hợp với thực tế lâm sàng và có thể dùng để chẩn đoán bệnh khi có từ một đặc điểm chẩn đoán hoặc từ hai đặc điểm chính.

Phân loại thể bệnh trứng cá đỏ theo 4 thể:

 Phân loại từ 2002, 2004: 4 type
 Thể đỏ da giãn mạch (subtype 1)

Bệnh nhân có cơn đỏ bừng mặt và/ hoặc ban đỏ dai dẳng ở vùng trung tâm của mặt, có thể kèm theo giãn mạch.

 Thể sẩn mủ (subtype 2)

Bệnh nhân có tổn thương sẩn, mụn mủ ở vùng trung tâm của mặt. Không có tổn thương comedon.

 Thể phì đại (subtype 3)

Da dày, bề mặt không đều, có cục/ khối sần sùi và phì đại, có thể làm biến dạng vùng tổn thương, thường gặp ở mũi, cằn, trán, má hoặc tai. Ở các vùng phì đại có thẩy thấy lỗ chân lông mở rộng và biểu lộ rõ.

 Thể mắt (subtype 4)

Mắt chảy nước hoặc sung huyết kết mạc, cảm giác có vật lạ trong mắt, châm chích, bỏng rát, khô, ngứa, tăng nhạy cảm ánh sáng, nhìn mờ, giãn mạch ở kết mạc hoặc mi mắt, ban đỏ ở vùng quanh mắt. Có thể có viêm kết mạc, viêm bờ mi, chắp mắt do viêm mạn tính tuyến sụn mi.

 

Phân loại thể bệnh theo đặc điểm lâm sàng:

Đặc điểm chẩn đoánĐặc điểm chínhĐặc điểm thứ cấp
Ban đỏ dai dẳng vùng trung tâm, nặng lên có tính chu kỳ bởi các yếu tố kích hoạt bệnh
Phì đại mũi
Cơ đỏ bừng mặt hoặc ban đỏ tạm thời
Sẩn viêm, mụn mủ
Giãn mạch
Triệu chứng mắt: Giãn mạch bờ mi; Viêm bờ mi; Viêm giác mạc hoặc viêm kết mạc hoặc viêm củng giác mạc
Cảm giác nóng rát trên da
Cảm giác châm chích trên da
Sưng bề mặt
Cảm giác khô da

 

7. Đánh giá mức độ nặng

Tính đa đạng trong triệu chứng lâm sàng và thể bệnh làm cho việc đánh giá mức độ nặng của trứng cá đỏ khó khăn, hiện tại vẫn chưa có một thang điểm/ công cụ nhất quán và chẩn hóa cho vấn đề này. Dưới đây là bảng tổng hợp các thang điểm giúp đánh giá mức độ nặng của một số triệu chứng trong trứng cá đỏ.

Một số thang điểm đánh giá mức độ nặng bệnh:

 Triệu chứng lâm sàngThang điểm đánh giá
 Cơn đỏ bừng mặtFAST (Flushing Assessment Tool)
GFSS (Global Flushing Severity Score)
 Ban đỏ dai dẳng

IGA (Investigator’s Global Assessment) 
CEA (Clinician’s Erythema Assessment) 
PSA (Patient’s Self Assessment)

 Giãn mạchKhông
 Sẩn viêm, mụn mủĐếm tổn thương
IGA (Investigator’s Global Assessment)
 Tổn thương phì đạiKhông
 Tổn thương mắtChưa có

 

Mặc dù chưa có thang điểm đánh giá cho tổn thương phì đại nhưng một thang điểm lâm sàng để đánh giá phì đại mũi dựa trên hình thái học đã được Clark DP và Handke CW (1990) đưa ra. Giãn mạch hiện chưa có thang điểm nào được chấp thuận trên lâm sàng. Năm 2017, hội đồng bác sỹ nhãn khoa của ROSCO đac đưa ra một phân loại mức độ tổn thương mắt và khu) yến cáo bệnh nhân nên được khám chuyên khoa từ mức độ trung bình.

8. Cận lâm sàng

Mô bệnh học trứng cá đỏ không đặc hiệu và sinh thiết da hiếm khi được chỉ định. Trong trường hợp chẩn đoán không chắc chắn, cần loại trừ một số bệnh lý hoặc nghi ngờ có sự bất thường tuyến bã thì mới cần làm xét nghiệm này.

Hình ảnh mô bệnh học không cụ thể và tùy type trứng cá đỏ.

Trong thể đỏ da giãn mạch, mô bệnh học có hình ảnh thâm nhiễm viêm một vài bạch cầu lympho và mô bào xung quanh các mạch máu kèm theo là hiện tượng phù, giãn các mạch máu và bạch mạch ở trung bì. Đôi khi có thể nhìn thấy thoái hoá sợi chun rất nhiều. Các đặc điểm mô học tương tự được nhìn thấy trong các thể sẩn mủ nhưng thâm nhiễm viêm chỉ nhìn thấy ở xung quanh nang lông và tuyến bã.

Trứng cá đỏ thể phì đại đặc trưng bởi thoái hoá sợi chun, xơ hóa, thâm nhiễm viêm ở trung bì, tăng sản và phì đại nang lông của tuyến bã. Quá trình tái tạo biểu mô trong lòng ống (có thể trong vùng cổ nang lông hoặc tại lòng ống tuyến bã) làm suy yếu sự tăng sản của mô và xuất hiện nhiều các thành phần viêm.

Demodex folliculorum có thể được nhìn thấy ở trong nang lông.

Xét nghiệm tìm demodex có thể cần thiết trong trường hợp nghi ngờ, có thể tìm thấy demodex ở nang lông, khi số lượng trên 5 con/cm2 cần cân nhắc điều trị.

9. Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán xác định phần lớn chỉ cần dựa vào đặc điểm lâm sàng cùng với khai thác kỹ lưỡng tiền sử bệnh nhân (giới, tuổi, nghề nghiệp, các yếu tố liên quan có thể kích hoạt bệnh, gia đình,...). Hoặc có thể chẩn đoán xác định khi có 1 đặc điểm chẩn đoán hoặc 2 đặc điểm chính theo cách phân loại thể bệnh của ROSCO như trong trình bày phía trên.

Mô bệnh học có thể sử dụng trong trường hợp chẩn đoán trên lâm sàng còn nghi ngờ, cẩn loại trừ các chẩn đoán phân biệt.

10. Chẩn đoán phân biệt

Đặc điểm thường gặp của bệnh như ban đỏ, giãn mạch, sẩn mủ....là những đặc điểm xuất hiện trong nhiều bệnh lý da do vậy trên lâm sàng có nhiều chẩn đoán phân biệt cần với trứng cá đỏ.

Dưới đây là một số chẩn đoán phân biệt:
+ Bệnh trứng cá: Thương tổn trứng cá có nhân (comedon). Trứng cá đỏ không có nhân.
+ Trứng cá đỏ do steroid: Trứng cá đỏ xuất hiện sau nhiều tuần sử dụng thuốc bôi chứa corticoid. Biểu hiện sẩn mủ nhỏ bề mặt khum, da đỏ kèm theo cảm giác rát, bỏng và ngứa, có thể giãn mạch. Da nhạy cảm.
+ Lupus ban đỏ: ban đỏ hình cánh bướm ở mặt đi kèm với loét miệng, đau khớp. Có xét nghiệm miễn dịch đặc hiệu.
+ Viêm bì cơ: Có ban đỏ ở mặt, đau gốc chi, yếu chi, men CK tăng cao.
+ Viêm quanh miệng: Thương tổn ở quanh miệng với biểu hiện mụn nước nhỏ, mụn mủ nhỏ, vảy da, hiện tượng bong da. Viêm quanh miệng xuất hiện ở phụ nữ trẻ, có thể xảy ra ở trẻ em. Không có hiện tượng sẩn viêm và đỏ da ở trung tâm mặt. Bệnh nặng hơn nếu bôi steroid.

11. Điều trị trứng cá đỏ

11.1 Biện pháp chung

Giáo dục về bệnh và hướng dẫn chăm sóc da đúng cách là một phần quan trọng trong việc điều trị một cách đầy đủ cho bệnh nhân vì có thể ngăn ngừa đáng kể, làm giảm tái phát và những khó chịu như khô da, đau rát cho bệnh nhân. Hơn nữa, hiểu đầy đủ về bệnh sẽ giúp bệnh nhân giảm gánh nặng về tâm lý và cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như kết quả điều trị cho bệnh nhân.

Các vấn đề cần tư vấn và chăm sóc da gồm có:
Tránh các yếu tố khởi phát/ làm nặng bệnh: Các yếu tố gây nặng bệnh là khác nhau với từng cá thể do đó bệnh nhân nên để ý quan sát và ghi chú lại những yếu tố ảnh hưởng tới bệnh của chính mình.
Sử dụng kem nền và một số sản phẩm che phủ không làm nặng thêm triệu chứng bệnh
Sử dụng kem chống nắng có SPF ≥ 30.
Sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên nếu da khô
Sản phẩm làm sạch chất nhờn vùng mũi
Rửa mặt bằng sữa rửa mặt nhẹ nhàng không chứa xà phòng
Tránh chà xát khuôn mặt.

11.2 Điều trị cụ thể theo thể bệnh/triệu chứng bệnh

11.2.1 Điều trị ban đỏ, cơn đỏ bừng mặt, da nhạy cảm, da khô

Các biện pháp chung được nêu ở trên có thể giảm tình trạng ban đỏ, cơn đỏ bừng mặt, tình trạng da khô và nhạy cảm ở các bệnh nhân biểu hiện bệnh mức độ nhẹ. Khi bệnh nhân đã thực hiện các giáo dục về chăm sóc da nhưng vẫn không cải thiện được nhiều, bệnh nhân có thể cần được điều trị bằng liệu pháp laser, IPL (intense pulsed light- xung ánh sáng cường độ cao) hoặc sử dụng đến thuốc.

Laser và IPL

Laser và IPL được sử dụng rộng rãi để điều trị nhiều vấn đề bệnh lý về mạch máu trong đó có tình trạng ban đỏ, giãn mạch trong trứng cá đỏ. Trong quá trình chiếu tia, năng lượng từ chùm tia sẽ được hemoglobin trong mạch máu hấp thụ dẫn đến các mạch nóng lên và xảy ra hiện tượng quang đông. Do vậy, loại laser thường sử dụng là PDL (pulsed dye laser) hoặc KTP (potassium titanyl phosphat) do sự hấp thụ ánh sáng mạnh bởi hemoglobin.

Laser cận hồng ngoại sử dụng trong điều trị các giãn mạch lớn và ở sâu nhưng tăng nguy cơ tác dụng phụ.

Điều trị bằng laser và ánh sáng không có vai trò chữa khỏi hoàn toàn triệu chứng ban đỏ hay giãn mạch; và thường cần nhiều lần để đạt hiệu quả và duy trì hiệu quả điều trị. Tác dụng phụ có thể gặp: rối loạn sắc tố da, phồng rộp, loét và tạo sẹo.

IPL có thể cần nhiều phiên điều trị hơn để đạt được cùng một kết quả như laser. Và do dải sáng rộng nên chứa các bước sống được hấp thụ mạnh bởi melanin dẫn đến nguy cơ tác dụng phụ tăng sắc tố tương đối cao. Do vậy cần làm mát trong quá trình điều trị.

Biện pháp dùng thuốc

Thuốc bôi tại chỗ: Hai loại thuốc bôi tại chỗ được FDA chấp thuận là gel Bromonidine 0,33% và kem Oxymetazoline 1%.

Bromonidine: là một chất chủ vận α-2-adrenergic, được sử dụng trong điều trị tăng nhãn áp góc mở và chứng minh có hiệu quả trong điều trị ban đỏ. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu so sánh hiệu quả thuốc bôi và laser, IPL. Mặc dù được sủ dụng trong điều trị ban đỏ nhưng tác dụng phụ có thể gặp của thuốc là ban đỏ, nóng rát, viêm da tiếp xúc. Thận trọng sử dụng trên bệnh nhân trầm cảm, giảm tuần hoàn não, suy mạch vành, hạ áp, bệnh nhân viêm tắc tĩnh mạch hoặc có vấn đề tim mạch.

Oxymetazoline: một chất chủ vận α -2- adrenergic sử dụng trong điều trị nghẹt mũi. Năm 2017 được FDA chấp thuận điều trị trứng cá đỏ. Các tác dụng phụ có thể gặp: viêm da tiếp xúc và có thể làm nặng tình trạng ban đỏ.

Các thuốc khác cần thêm nghiên cứu để đánh giá hiệu quả: Retinoid tịa chỗ, licochalcone A, kháng Calcineurun tại chỗ, isotretinoin uống, apremilast uống.

Các thuốc chẹn β giao cảm như carvediol sử dụng “off-label” và nên giảm dần liều.

11.2.2 Điều trị sẩn mụn mủ

a. Với mức độ nhẹ

Có thể chỉ cần điều trị bằng thuốc bôi như ivermectin (1%), metronidazole (0,75% , 1%), axit azelaic (15%), natri sulfacetamide và lưu huỳnh. Điều trị “off label”: erythromycin tại chỗ (2%), tretinoin hoặc isotretinoin, clindamycin và permethrin.

b. Với thể trung bình - nặng

Sử dụng thuốc bôi tại chỗ là không đủ để lui bệnh, bệnh nhân cần phải kết hợp thêm với thuốc đường toàn thân hoặc các liệu pháp laser, ánh sáng. Phương pháp ưu tiên là đường uống với nhóm thuốc được nghiên cứu nhiều nhất và đem lại hiệu quả là kháng sinh nhóm cyclin. Trong sinh lý bệnh trứng cá đỏ, hiện chưa phát hiện được vi khuẩn nào là căn nguyên chính gây ra bệnh do vậy việc sủ dụng kháng sinh chủ yếu do tác dụng chống viêm của chúng. Ví dụ tetracycline có thể làm giảm nồng độ cathelicidin tiền viêm (thành phần của hệ thống miễn dịch bẩm sinh) thông qua ức chế protease serine, từ đó làm giảm nồng độ các cytokine tiền viêm.

Do lo sợ về vấn đề kháng kháng sinh, thường sử dụng kháng sinh dưới liều để có hiệu quả chống viêm (không đủ để kháng khuẩn). Doxycyclin có thể dùng liều 20mg uống ngày hai lần hoặc thuốc viêm 40mg (chứa 30mg giải phóng nhanh và 10 mg giải phóng chậm).Lâm sàng thường sử dụng doxycyclin 100mg x 2 lần/ ngày; minocyclin 100 mg x 2 lần/ ngày hoặc tetracyclin 500 mg x 2 lần/ ngày. Tác dụng phụ của tetracycline đường uống bao gồm suy hô hấp và nhạy cảm ánh sáng. Minocycline (https://www.uptodate.com/contents/minocycline-drug- information?topicRef=16632&source=see_link) là mặc dù ít nhậy cảm ánh sánh nhất nhưng lại chóng mặt, một hội chứng giống lupus và tăng giảm sắc tố da. Tetracyclines không nên cho trẻ em dưới chín tuổi do nguy cơ đổi màu răng vĩnh viễn và giảm sự phát triển của xương. Thuốc “off label” có thể sủ dụng là retinoid đường uống, kháng sinh nhóm macrolid (clarithromycin (https://www.uptodate.com/contents/clarithromycin-drug-information?topicRef=16632&source=see_link) , azithromycin (https://www.uptodate.com/contents/azithromycin-drug- information?topicRef=16632&source=see_link), và erythromycin(https://www.uptodate.com/contents/erythromycin-drug-information?topicRef=16632&source=see_link)) và metronidazole (https://www.uptodate.com/contents/metronidazole-druginformation? topicRef=16632&source=see_link) đường uống. 

c. Với mức độ nặng, kháng trị

Isotretinoin thường được sử dụng và cho thấy đem lại hiệu quả. Tuy nhiên cần lưu ý về tác dụng phụ khi dùng và vấn đề quản lý mang thai khi dùng ở phụ nữ.

e. Laser, ánh sáng: 

Sẩn và mụn mủ có thể được điêu trị với laser, ánh sáng; tuy nhiên hiệu quả chưa rõ ràng.
Nếu xét nghiệm có Demodex (≥ 5con/ vi trường) dùng kếp hợp thêm kem permethrin trong thời gian ngắn.
Sau khi dừng điều trị nên điều trị dự phòng với thuốc tại chỗ để tránh tái phát.

11.2.3 Điều trị các tổn thương phì đại

Các tổn thương phì đại nhẹ/ sớm được chứng minh cải thiện khi sử dụng isotretinoin liều thấp trong 12-28 tuần. Ở mức độ nặng hơn cần đến các biện pháp can thiệp: phẫu thuật, laser, phẫu thuật lạnh/nhiệt, dao điện, RF. Tác dụng phụ không mong muốn của các thủ thuật này: giảm sắc tố, sẹo và đau.

11.2.4 Điều trị tổn thương mắt

Điều trị các vấn đề mắt nên có sự phối hợp giữa bác sĩ da liễu và nhãn khoa. Tổn thương có thể nhẹ nhưng cũng có thể nặng, mãn tính; thậm chí mù lòa.

Một biện pháp rất cần thiết đó là vệ sinh vùng mí mắt (chườm ấm, day ấn tuyến meibomian, lau mắt bằng dung dịch dành cho trẻ sơ sinh pha loãng, tra mỡ mắt). Sử dụng nước mắt nhân tạo để làm dịu các cảm giác nóng, ngứa, rát vùng mắt. Các trường hợp nặng cần sủ dụng thuốc tại chỗ/ toàn thân. Bệnh nhân cũng nên đeo kính râm để chắn tia UV.

Bài trước Bài sau

Đặt lịch khám

Đang tải ảnh, bạn vui lòng đợi chút nhé!
Hình thức khám

Chọn hình 1
Chọn hình 2
Chọn hình 3
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Viêm da cơ địa (atopic dermatitis)
Viêm da cơ địa (atopic dermatitis) là bệnh lý biểu hiện cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính.
Chàm (eczema)
Eczema là một trạng thái viêm lớp nông của da cấp tính hay mạn tính, tiến triển từng đợt hay tái phát, lâm sàng biểu hiện bằng đám mảng đỏ da, mụn nước và ngứa
Viêm da dầu (seborrheic dermatitis)
Viêm da dầu là bệnh viêm da mạn tính thường gặp với biểu hiện là các tổn thương đỏ da, bong vảy tập trung ở những vùng da nhiều tuyến bã
Tổ đỉa (dyshidrotic eczema, dyshidrotic dermatitis, pompholyx)
Tổ đỉa là một loại phổ biến của bệnh chàm ảnh hưởng đến đôi tay (cheiropompholyx) và đôi bàn chân (pedopompholyx).
Viêm da tiếp xúc (contact dermatitis)
Viêm da tiếp xúc (VDTX) là phản ứng viêm da do tương tác giữa da và tác nhân bên ngoài
Ngứa
Ngứa là một cảm giác khó chịu của da khiến người bị ngứa phải gãi để bớt ngứa.
Nhiễm độc da dị ứng thuốc (drug eruption)
Nhiễm độc da dị ứng do thuốc là những biểu hiện rất thường gặp, là một dạng phản ứng dị ứng đặc biệt
Bệnh vảy nến (psoriasis)
Bệnh vảy nến là một bệnh đỏ da có vảy mạn tính, có tính di truyền, xuất hiện theo cơ chế tự miễn dưới tác động của các yếu tố khởi động
Rám má (chloasma)
Nám da (Melasma) là một là tình trạng tăng sắc tố mắc phải, lành tính ở các vùng da thường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Trứng cá (acne)
Mụn trứng cá là bệnh thường gặp, thương tổn với nhiều mức độ khác nhau ở hơn 90% thanh thiếu niên.
Ung thư da
Ung thư da là sự phát triển bất thường của tế bào da, thường xuất hiện trên vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra.
Bệnh zona (herpes zoster)
Trong thời kỳ tiền triệu của zona, bệnh nhân bị nhức đầu, sợ ánh sáng và khó ở, nhưng hiếm khi có sốt.
Bệnh mụn rộp (herpes)
Là bệnh ngoài da rất thường gặp, tác nhân gây bệnh là do virus có ái tính với tế bào da và niêm mạc, thuộc nhóm virus Herpes
Viêm nang lông và nhọt
Là phản ứng viêm của một hoặc nhiều nang lông ở bất kì vị trí nào trên cơ thể, trừ vùng bán niêm mạc và lòng bàn tay, bàn chân.
Bệnh nấm móng (onychomycosis)
Nấm móng là bệnh nhiễm trùng ở móng do nấm, chiếm tới 30% các bệnh nấm nông
Bệnh ghẻ (scabies, gale)
Bệnh ghẻ là bệnh ngoài da phổ biến, bệnh lây, do một loại côn trùng ký sinh trên da gây nên, có tên là Sarcoptes scabiei, Hominis
Bệnh lậu (gonorrhoeae)
Bệnh lậu (gonorrhoeae) là một bệnh nhiễm trùng sinh mủ xảy ra bề mặt niêm mạc do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục
Chlamydia
Chlamydia lây nhiễm từ người bệnh sang người lành theo hai con đường chính là qua sinh hoạt tình dục và từ mẹ sang con
Bệnh sùi mào gà (genital warts, condyloma, condylomata acuminata)
Nguồn bệnh là những người nhiễm HPV, ở cả nam lẫn nữ, nhất là gái mại dâm
Chất lượng đảm bảo

Chất lượng đảm bảo

Cam kết hàng chính hãng với giá cạnh tranh

Miễn phí vận chuyển

Miễn phí vận chuyển

Miễn phí vận chuyển toàn quốc

Dễ dàng đổi trả

Dễ dàng đổi trả

Dễ dàng đổi trả nếu khách hàng không hài lòng

Yên tâm thanh toán

Yên tâm thanh toán

Chuyển khoản hoặc thanh toán tiền mặt khi nhận hàng