Viêm da đầu ở trẻ em và những điều cha mẹ cần biết
Viêm da đầu ở trẻ em về cơ bản vẫn là một dạng thương tổn ngoài da. Tuy nhiên da đầu là một trong những vùng da đặc biệt, tập trung nang tóc. Do đó tiến triển của bệnh thường khá phức tạp. Viêm da đầu ở trẻ em đặc trưng bởi các lớp vảy cứng hay dân gian thường gọi là “cứt trâu” ở vùng đầu. Bệnh tuy không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của bé và có thể tự khỏi nhưng trong nhiều trường hợp nếu chủ quan điều trị viêm da đầu không đúng cách và kịp thời thì bệnh cũng có thể tiến triển nặng hơn.
1. Viêm da đầu ở trẻ em là gì?
Bệnh viêm da đầu ở trẻ em hay còn gọi là viêm da tiết bã trên da đầu, dân gian vẫn thường gọi là "cứt trâu". Đây là một dạng tổn thương da mãn tính, có liên quan đến hoạt động của nấm men và gây rối loạn tuyến bã nhờn trên da đầu bé. Thống kê cho thấy có đến 95% số trường hợp trẻ sơ sinh từ 0-3 tháng tuổi bị viêm da đầu, đây là bệnh rất phổ biến đang khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng.
Viêm da đầu là bệnh ngoài da không nguy hiểm nhưng tương đối dai dẳng, phức tạp và khó chữa. Bệnh rất dễ tái đi tái lại nhiều lần và tiến triển thành mạn tính. Bệnh thường kèm theo tình trạng tăng tiết bã nhờn tại nang tóc, lỗ chân lông… khiến bé khó mọc tóc, tóc mọc thưa và ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề thẩm mỹ.
2. Biểu hiện của bệnh viêm da đầu ở trẻ em?
Bệnh viêm da đầu ở trẻ nhỏ dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh ngoài da khác. Những triệu chứng của bệnh viêm da ở trẻ em trên da đầu là:
+ Trên da đầu bé có dấu hiệu da bị ửng đỏ. Đôi khi da bé còn bị bong tróc, gây ngứa ngáy kéo dài khiến bé khó chịu, thường xuyên dụi đầu vào chăn gối cho dễ chịu hơn.
+ Da đầu bé có cảm giác ẩm ướt, có dịch nhờn và bết vào tóc.
+ Bề mặt da đầu bé có xuất hiện gàu, da đầu sẫm màu và dày hơn. Sau khi bé khỏi bệnh, da bé vẫn có thể chuyển sang màu sẫm.
+ Một số trường hợp bệnh viêm da đầu còn khiến bé bị rụng tóc, không mọc tóc kể cả sau khi điều trị bệnh khỏi.
+ Ngoài ra, khi bé bị viêm da đầu, một số vùng da khác của bé cũng có thể xuất hiện các triệu chứng viêm da đi kèm. Đặc biệt là những vùng da có nhiều lỗ chân lông.
Biểu hiện của bệnh viêm da đầu ở trẻ
3. Những nguyên nhân gây viêm da đầu ở trẻ em thường gặp là gì?
Cơ thể bé có sự thay đổi về nội tiết tố hoặc do một số bệnh lý ảnh hưởng đến da bé. Đặc biệt là những vấn đề gây ảnh hưởng nhiều đến vùng thượng bì trên da bé.
Bé có cơ địa đổ nhiều mồ hôi, da đầu tăng tiết bã nhờn gây bùng phát viêm da đầu.
Bé bị kích ứng bởi các yếu tố như sản phẩm tắm gội mẹ sử dụng hoặc dị ứng liên quan đến các loại thuốc.
Da đầu bé bị nhiễm nấm bởi một số chủng nấm gây viêm da đầu. Những chủng nấm này không chỉ gây viêm da đầu mà còn có thể gây ra nhiều bệnh ngoài da khác phức tạp hơn.
Nhiều trường hợp bé bị viêm da đầu do di truyền, bé có người thân mắc các bệnh liên quan về da như vảy nến, chàm, viêm da đầu…
Nguyên nhân do bản thân bé mặc các bệnh liên quan đến dị ứng như hen suyễn dị ứng, chàm…
Thời tiết thay đổi đột ngột, thời tiết chuyển mùa, hanh khô cũng có thể là yếu tố khiến bé bị viêm da đầu.
4. Mức độ phổ biến của viêm da đầu ở trẻ sơ sinh như thế nào?
Viêm da tiết bã ở đầu cực kì phổ biến ở trẻ. Bệnh thường xuất hiện trong hai tháng đầu sau khi sinh và tự khỏi trong vòng vài tuần hay vài tháng.
5. Phân biệt viêm da đầu và vảy nến ở trẻ em:
Trong số các bệnh gây tổn thương cho da đầu thì viêm da đầu ở trẻ em dễ nhầm lẫn nhất là với bệnh vảy nến ở đầu của trẻ em. Nhìn sơ qua 2 bệnh này đều có xuất hiện vảy cứng và dễ bong tróc. Tuy nhiên bệnh vảy nến ở đầu của trẻ em có đặc điểm điển hình là vùng tổn thương có giới hạn rất rõ ràng với vùng da lành bệnh. Ngược lại với bệnh viêm da đầu ở trẻ, vùng da bệnh và da lành lẫn lộn nhau không có ranh giới rõ ràng. Ngoài ra, xét về góc độ mô bệnh học, bệnh viêm da đầu ở trẻ nhỏ có hiện tượng xốp bào nhẹ còn bệnh vảy nến thì lại không.
6. Biến chứng của bệnh viêm da đầu ở trẻ nhỏ:
Tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách và kịp thời thì bệnh cũng có thể gây ra các biến chứng:
+ Vùng viêm lan rộng ra toàn thân gây hiện tượng đỏ da toàn thân.
+ Một số trường hợp có thể dẫn đến bội nhiễm, mưng mủ và lở loét.
+ Ngoài ra, viêm da đầu ở trẻ em là bệnh rất dễ tái phát trở lại. Nên nếu không cẩn thận, bệnh cũng có thể kế phát thêm các bệnh khác như viêm da cơ địa và vảy nến ở đầu trẻ em.
7. Khi nào cần đưa trẻ đi khám với bác sĩ da liễu?
Hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nếu mẹ nhận thấy vùng “cứt trâu” của bé có những hiện tượng như:
+ Tình trạng đóng vảy dày và lan rộng trên da đầu, da mặt bé.
+ Vùng đóng vảy bị chảy máu.
+ Vùng đóng vảy có mùi lạ, khó chịu.
Cha mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ da liễu để điều trị kịp thời
8. Cách chăm sóc trẻ bị viêm da đầu
Song song với việc chữa bệnh, cách chăm sóc cho trẻ bị viêm da đầu cũng là một trong những yếu tố then chốt quyết định việc trẻ có nhanh khỏi bệnh hay không. Dưới đây là một số lưu ý cho các bố mẹ trong quá trình chăm sóc con bị viêm da đầu:
+ Tắm và gội đầu hằng ngày cho trẻ đúng cách: Tắm bằng nước ấm (không quá nóng hoặc lạnh),không chà xát quá mạnh lên vùng da bị viêm, sau khi tắm gội xong dùng khăn mềm và sạch lau khô vùng đầu và toàn thân cho bé.
+ Khi gội đầu có thể dùng tay hoặc khăn mềm lau nhẹ nhàng để vảy bong tróc ra.
+ Dùng dầu gội dành riêng cho trẻ để gội đầu mỗi ngày 1 lần, trong quá trình gội có thể dùng một chiếc bàn chải mềm để làm vảy tróc ra sau đó xả sạch lại với nước.
+ Không sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm có tính tẩy rửa và tính kích ứng quá mạnh cho trẻ.
+ Khi các vảy biến mất, các mẹ vẫn nên duy trì gội đầu thường xuyên cho trẻ khoảng 2 ngày 1 lần để tránh việc bệnh tái phát.